Diễn viên làm shipper, bán đồ ăn online thời dịch
Saovacuocsong - Nghe tin thành phố giãn cách, diễn viên hài Kim Đào nhìn các hộp đồ ăn ế ẩm giữa phòng trọ rồi ôm con trai nhỏ vào lòng.
Diễn viên 30 tuổi cho biết hơn một tháng qua, cuộc sống của cô chới với. Loạt game show bị hủy, các lời mời quay phim hoãn vô thời hạn, Kim Đào còn cách mưu sinh duy nhất: bán online. Giỏi nấu nướng, cô thường bán các món miền Tây như đồ khô, trứng cá, khẩu phần ăn cho nhân viên văn phòng... Cô cho biết: "Trước khi dịch bùng phát, mỗi ngày tôi bán được vài chục suất, thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng mỗi tháng. Cộng cát-xê đóng web-drama, quay show, gia đình tôi tằn tiện qua ngày".
Diễn viên Kim Đào - từng thi "Cười xuyên Việt", cộng tác sân khấu 5B và diễn tự do - nấu đồ ăn bán online kiếm sống sau khi sân khấu đóng cửa, game show hủy quay ở TP HCM. Ảnh: Đào Đào.
Một tháng nay, Kim Đào chỉ bán được hơn 10 phần mỗi ngày, có khi ít hơn. Ngày 31/5, sau khi TP HCM giãn cách theo chỉ thị 15, số lượng đặt hàng của Đào sụt hẳn. Lấy chồng ở tuổi đôi mươi, 5 năm trước, Đào ly hôn, đưa mẹ cùng con trai lên Sài Gòn lập nghiệp, theo nghề diễn. Cô vừa nuôi mẹ già, vừa lo tiền học cho con. Tháng trước, trộm vào phòng trọ của cô, "khoắng" sạch tiền bạc và nhiều món đồ giá trị. Ba mẹ con diễn viên thuê chỗ khác ở quận Bình Thạnh với giá sáu triệu đồng mỗi tháng. "Đã nghèo giờ còn mắc cái eo", cô lắc đầu, cười.
Giống Kim Đào, nhiều diễn viên xoay xở tìm kế mưu sinh. Thanh Tuấn - diễn viên sân khấu 5B - chuyển sang chạy xe ôm công nghệ khi các sàn diễn tại TP HCM đồng loạt đóng cửa vào đầu tháng 5. Một tháng phơi mặt giữa đường phố Sài Gòn, cơn nóng mùa hè biến Tuấn từ một diễn viên thư sinh thành đen sạm, gầy sọp. Gần đây, dịch diễn biến phức tạp hơn, cuốc xe của Tuấn giảm dần. Nam sinh Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM từ lâu không nhận trợ cấp của gia đình ở Tiền Giang vì tự lập. Ở tuổi 21, anh thấm nỗi khổ cơm áo gạo tiền khi ngày mai chưa xoay được hai triệu đồng đóng tiền trọ. Anh nói: "Có ngày, thu nhập của tôi chưa tới 200 nghìn đồng. Tôi định tìm một số nhà hàng còn hoạt động để xin phục vụ, kiếm được đồng nào hay đồng nấy".
Các gương mặt nữ như Lê Khánh, Đào Vân Anh... của sân khấu Trịnh Kim Chi cũng bán hàng online, còn nhiều nam nghệ sĩ làm shipper. Diễn viên Trường Phúc - gương mặt chính của sân khấu Quốc Thảo - đẩy xe bắp xào kiếm sống. Diễn viên Vĩnh Thịnh mở một quầy bán trà tắc, trà sữa... ở vỉa hè. Không ít bạn trẻ làm thuê cho các tiệm giặt ủi, nhà hàng.
Diễn viên Thanh Tuấn tranh thủ làm shipper sau khi sân khấu 5B đóng cửa. Ảnh: Tạ Tuấn.
Dù giới biểu diễn "đóng băng", vẫn có người vẫn bám trụ với nghề. Khi sân khấu Hoàng Thái Thanh, 5B - hai sàn diễn thân thuộc của nghệ sĩ Quốc Thịnh - đóng cửa, anh quay sang viết kịch ngắn cho đài truyền hình thành phố. Có vợ là diễn viên Tuyết Mai, hàng ngày, đôi nghệ sĩ viết các đầu kịch hài 30 phút, Chuyện bốn mùa - series tiểu phẩm cho thiếu nhi... Quốc Thịnh nói, may mắn các đơn vị thấu nỗi khổ của nghệ sĩ kịch nên trả nhuận bút khá rốt ráo, xong vở nào được thanh toán vở đó. Thù lao không cao nhưng cũng đỡ một phần tiền sinh hoạt cho vợ chồng anh. "Tôi còn ấp ủ một kịch bản chuyển thể văn học, định hết dịch là đưa lên sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng ngay, nhưng tình hình này thì...", diễn viên bỏ lửng câu nói.
Nghệ sĩ Quốc Thảo cho biết vài hôm trước, ở sân khấu của anh, một nữ diễn viên trẻ ôm ba lô đứng trước bàn thờ tổ nghề, vái rồi khóc, cho biết phải về quê với gia đình vì không thể trụ nổi. Tương tự, nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp ngành diễn xuất, không có tiền đóng học phí, phải về quê, gác giấc mơ theo nghề.
Trịnh Kim Chi trang điểm cho học trò diễn trong một buổi tốt nghiệp. Ảnh: Duy England.
Nhiều "bầu" xót xa vì cảnh tan tác của sân khấu, tìm cách gồng gánh trước tình thế khó khăn.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên - giám đốc 5B cho biết các diễn viên của chị - đa số từ tỉnh lên thành phố lập nghiệp - chủ yếu chuyên tâm cho kịch nói, nên ít khi nhận quay game show. Giờ sàn diễn đóng, nhiều người phải làm thuê, giúp việc theo giờ để có tiền đóng trọ. Chị vẫn bỏ tiền túi trả lương cho nhân viên bán vé, công nhân hậu đài...
Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - cho biết hàng năm, Hội thường trích kinh phí giúp đỡ 7 sân khấu xã hội hóa, mỗi nơi 20 triệu đồng. Ban ái hữu của Hội cũng vận động mạnh thường quân giúp các nghệ sĩ cải lương, kịch nói, hát bội - chủ yếu là các diễn viên cao tuổi, neo đơn... Ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8), diễn viên Thiên Kim, Diệu Hiền, Ngọc Đáng... nhận khoản lương hai, ba triệu đỗng mỗi tháng. "Không nhiều thì ít, chúng tôi cố gắng động viên nhau vượt qua hoạn nạn này vì hiểu đây là bối cảnh chung của đa số ngành nghề, không chỉ ở mảng văn hóa - nghệ thuật - giải trí", chị nói.
Nhìn cảnh học trò mưu sinh, Quốc Thảo đau lòng nhưng bất lực vì không thể giúp hết các em. Theo Quốc Thảo, khác một số sân khấu phía Bắc - hoạt động theo cơ chế nhà nước, có thể tạm ứng kinh phí, hầu hết sàn diễn tại TP HCM mang mô hình xã hội hóa. Diễn viên sân khấu tư nhân không có thu nhập cố định, nhiều người chỉ ăn lương theo suất. Anh nói: "Tôi hy vọng các cơ quan đoàn thể như hội sân khấu, Sở văn hóa - Thể thao TP HCM có hình thức hỗ trợ một phần để các diễn viên trẻ nuôi đam mê. Nếu không, qua đợt dịch này, sân khấu TP HCM khó còn lại gì".
Mai Nhật
No comments