Breaking News

Nghệ sĩ Kim Ngân khiến khán giả tự hào khi diễn lại Thái hậu Dương Vân Nga

Saovacuocsong - Chỉ mới 7 giờ tối, mặc dù cách giờ diễn ra chính thức đến 1 tiếng đồng hồ nhưng khán giả đã đến chật kín nhà hát Bến Thành để thưởng thức vở Thái hậu Dương Vân Nga sau nhiều năm mới được tái xuất. 


Không khí của đêm diễn "nóng" từ trong hậu trường đến khán đài khi mà lượng khán giả đổ về ngày một đông. Tại phòng hóa trang, các nghệ sĩ tất bật chuẩn bị các công đoạn cuối cùng trước giờ mở màn chính thức. Phương Thanh, Đại Nghĩa, Quốc Đại... vừa chuốt lại đôi chân mày vừa ngân nga một vài câu hát quen thuộc cho nhập tuồng. Mặc dù còn cách giờ diễn đến hàng tiếng đồng hồ nhưng các nghệ sĩ đã bắt đầu tập trung từ rất sớm để hóa trang, thử phục trang, đọc lại kịch bản sao cho khớp với cả ê kip vô cùng hùng hậu. 



Từ trong khán phòng, Phương Thanh vừa chuẩn bị xong bộ trang phục, vừa ngẫm đọc lại phân vai của mình. Thỉnh thoảng, chị ngân nga một vài câu hát và chép chép giọng khá nhiều lần. Trước đó, nữ ca sĩ đã vô cùng lo lắng và áp lực khi lần đầu nhận được một vai diễn khá nặng kí, có thể nói đối với Phương Thanh đây là một trong những vai diễn "để đời" vì đã có khá nhiều bậc tiền bối đi trước biểu diễn khá thành công. 




Trước khi vở diễn chính thức bắt đầu, nữ ca sĩ từng trăn trở: "Phải nói rằng tôi là người 'chuyên trị' về nhạc... nặng, như rock và các ca khúc có nhiều yếu tố 'gào thét'. Nên khi hát cải lương, sẽ rất khó khăn để 'chuyển giọng'. Đây lại là tuồng cổ trang, vừa hát vừa diễn thì càng không dễ. Hát phải có giọng óc kiểu cải lương nữa, do đó tôi càng phải tập trung cao và cố gắng nhiều”. Tôi không dám hứa quá nhiều, tuy nhiên với những nổ lực của những con người quá đỗi nhiệt huyết tôi tự nhủ bản thân không được làm mọi người thất vọng". 


Riêng "người đầu tàu", nữ nghệ sĩ Hoa Hạ thì tất bật hơn hẳn. Có vẻ như chị "đứng ngồi không yên" khi chứng kiến khán giả kéo đến ngày một đông. "Tôi vừa mừng rỡ, vừa hồi hộp. Càng thấy khán giả đông bao nhiêu tôi càng lo lắng và áp lực bấy nhiêu. Trong đời mình, tôi đã trải qua biết bao vở diễn đình đám nhưng đây là một trong những lần hiếm hoi tôi có được cảm giác ấy. Có một chút sung sướng, một chút rưng rưng pha lẫn một chút tự hào". Nữ đạo diễn tài ba cũng bộc bạch, vở diễn này nhận được khá nhiều sự ủng hộ của truyền thông lẫn công chúng. Tính đến trước giờ công diễn vài phút, có hơn 80% số lượng vé đã được bán ra, vượt chỉ tiêu và nằm ngoài sự mong đợi của cả người. "Mình không nghĩ mọi thứ hào hùng đến vậy. Điều đó làm mình thấy vững vàng và tự hào lắm. Có một cảm giác trào dâng bên trong rất khó nói thành lời", nữ đạo diễn tâm đắc chia sẻ. 


Đúng 8 giờ, bức rèm nhung dần được kéo ra. Từng hồi trống, chiêng rền vang làm âm vang cả không gian của nhà hát Bến Thành. Màn xuất hiện của Phương Thanh được khán giả vỗ tay "ầm ầm". Sau đó, lần lượt là sự xuất hiện của Đại Nghĩa, Gia Bảo, Điền Trung, Lê Tứ, Chí Linh...tất cả hòa vào không khí náo nhiệt, tiếng hồn dân tộc linh thiêng nổi lên từng hồi khiến người xem phải "nổi da gà". Đặc biệt chính là sự xuất hiện của NSƯT Phượng Loan trong vai Thái hậu Dương Vân Nga đã làm sống lại những năm tháng hào hùng, anh dũng. 



Hoa Hạ nhấn mạnh trong vở diễn có hai nhân vật trung thần nặng ký đó là vai Đinh Điền được giao cho Đại Nghĩa và vai Nguyễn Bặc giao cho Xuân Trang, con trai cố nghệ sĩ cải lương Minh Châu. Đây là hai trung thần sát cánh với Đinh Tiên Hoàng từ thời ông còn là cậu bé Đinh Bộ Lĩnh với trò chơi cờ lau tập trận. Vở sẽ có những lớp diễn lý giải sự đau đớn, nội tâm giằng xé của hai ông khi tấm long bào được trao cho Lê Hoàn. Hoa Hạ chia sẻ chị đặt trọn niềm tin vào khả năng thể hiện của hai diễn viên trẻ Đại Nghĩa và Xuân Trang. Và đúng như vậy, khi hai tuyến nhân vật này xuất hiện, mọi thứ dồn nét trong tâm hồn khán giả được thể hiện rất rõ qua ánh mắt. Họ nhìn chăm chú, không dám chớp đi vì sợ lỡ mất những khoảnh khắc thiêng liêng nhất. 



Tiếng chiêng trống vang lên làm khán giả hồi ức lại những năm tháng vàng son năm nào của nghệ thuật cải lương. Họ mường tượng và tìm lại một chút dư âm của nền nghệ thuật cổ truyền trong không gian hiện đại. Âm Thanh, ánh sáng, phục trang... tất cả như hòa quyện tạo thành một mạch chảy cảm xúc hào hùng, linh thiêng của núi non, đất trời của những tình tiết lịch sử huyền thoại đã vang danh hàng chục năm. Nhiều khán giả, bao gồm các cụ già lớn tuổi khi xem đều gật gù hài lòng, thỉnh thoảng họ giơ cao đôi tay và vỗ thật to theo tiếng ngân của Dương Vân Nga hay tiếng của các quần thần thét lên trước tên giặc Tống. Mặc dù đã được làm mới, sáng tạo lại nhưng nhìn chung vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga lần này đã cơ bản truyền tại được hồn thiêng của dân tộc thông qua từng tuyến nhân vật. 




Đa số khán giả đều hài lòng vì các tình tiết như được giữ nguyên bản, làm họ sống lại những năm tháng vàng son hào hùng cùa nền văn hóa dân tộc, đâm điệu lịch sử nước nhà và những giá trị đã mất từ rất lâu trước đó. Âm thanh càng làm cho không khí thêm nao nao, hùng tráng và có chút ướt lệ. Điều đáng chú ý chính là phần phục trang của các nhân vật, cụ thể là phụng bào của Thái hậu Dương Vân Nga. Bộ trang phục được thiết kế khá lộng lẫy, bắt mắt với những chi tiết thuần Việt nhưng không kém phần kiêu sa. Chi sẻ về phần phục trang của nhân vật, NSƯT Hoa Hạ cho biết: "Tôi đã nghiên cứu rất kỹ trong thời kỳ Đinh Tiên Hoàng, những năm đó Đinh Tiên Hoàng mở rộng ngoại giao, thông thương với các nước. Tôi nghĩ khi mở cửa, các nước đã vào thì phục trang hết sức phong phú. Ở đây tôi cùng các nhà thiết kế thực hiện bộ áo của Dương Vân Nga, áo của vương triều Việt Nam rất kỹ, với mong muốn vở sẽ đáp ứng cả yếu tố xem và nghe, mong muốn cải lương sẽ đẹp và sang trọng…”. 




Đúng thật như vậy, đạo diễn và cả ê kip đã thổi một làn gió mới cho Dương Vân Nga và nghệ thuật cải lương truyền thống. Họ không chỉ làm sống dậy vở diễn hùng thiên, tinh hoa của một đất nước mà còn cứu được sự nhàm chán của khán giả khi đến rạp thưởng thức một tác phẩm cải lương thuần túy. Màu sắc lấp lánh của phục trang làm người xem như được hòa cảm xúc của mình vào cuộc sống vương triều, giúp họ tưởng tượng, thậm chí là được hòa vào tâm trạng của các nhân vật như chính mình đang trình diễn trên sân khấu vậy. Điều đó phần nào đã đi đúng hướng của ê kip sản xuất, đúng với nhận định của nữ đạo diễn: "Đi xem cải lương không chỉ nghe mà còn nhìn nữa. Người xem sẽ có cảm xúc mãnh liệt hơn, dâng trào hơn, mạnh mẽ hơn nếu bắt gặp nhân vật của mình xuất hiện thật chỉn chu, lộng lẫy. Với riêng nghệ thuật cải lương, phần nhìn chiếm 50% nhu cầu và thành công của một vở diễn. Vì thế, lần này ê kip đầu tư khá nặng cho phần phục trang của các nhân vật". 



Tất cả các nghệ sĩ đã trình diễn khá tốt kể cả những kẻ "tay ngang" như Phương Thanh, Đại Nghĩa, đặc biệt là Kim Ngân. Nhiều khán giả nhận định, với một người không quá chuyên nghiệp như Kim Ngân mà làm được như thế thì đó là một bước ngoặc vĩ đại cho chính cô ấy và cả nghệ thuật cải lương nước nhà. Sự nhiệt huyết, kiêu hãnh, tự hào của Kim Ngân hóa thành cảm xúc nhân vật làm cô trình diễn khá mượt mà, uyển chuyển và đậm tính nghệ thuật. 



Đây là vở diễn do Hoa Hạ và nghệ sĩ Kim Ngân - con gái cố nghệ sĩ Kim Ngọc - tự bỏ tiền đầu tư. Kim Ngân là doanh nhân và cũng là nghệ sĩ tự do. Trong vở diễn này, chị và NSƯT Phượng Loan cùng đảm nhiệm vai thái hậu Dương Vân Nga. Với vở diễn đầu tiên, ban tổ chức chỉ bán khoảng 700 vé dưới lầu. Hoa Hạ lý giải: "Tôi muốn khán giả thưởng thức trọn vẹn nên chỉ bán vé dưới lầu. Cả hai đêm bán hết vé cũng không đủ chi phí nhưng không sao, cứ làm chương trình đầu thật tốt, sau đó chúng tôi sẽ tính toán tiếp...". 



Theo tìm hiểu, kinh phí đầu tư cho vở diễn khoảng 800 triệu đồng, bán hết vé hai đêm diễn cũng chỉ thu lại chừng 600 triệu đồng. "Đầu tư cho vở này chắc chắn sẽ lỗ nhưng anh em nghệ sĩ chúng tôi được lời về sự dấn thân, trải nghiệm và có được một vở cải lương hay", nghệ sĩ Kim Ngân và đạo diễn Hoa Hạ đều trả lời cùng một ý khi nói về mục đích của vở diễn. Được biết, sau buổi công diễn đầu tiên vào tối qua, buổi công diễn tiếp theo sẽ được diễn ra vào ngày 13 tháng 5 cũng tại Nhà hát Bến Thành.

P.V

No comments