Nghệ sĩ Mạc Can: "Không hối tiếc và bỏ nghề, có nhiều thì ăn nhiều, có ít ăn ít, không có thì ăn cơm với chuối"
Saovacuocsong - Vừa khỏe lại sau một thời gian bệnh nặng, nghệ sĩ Mạc Can đã tự mình chạy xe máy đến địa điểm quay ở quận Tân Phú để tham gia chương trình "Ký Ức Sài Gòn".
Diện bộ vest bảnh bao để “lên hình”, ông nhờ ekip xem dùm ông mặc trang phục như thế này đã được chưa. Ông bảo mình rất khỏe và chỉ mới 45 tuổi thôi, lại còn đùa rằng mình đang tích cực tập gym và đưa tay lên để khoe cơ bắp. Trước khi bắt đầu buổi giao lưu, ông đã bông đùa như vậy và trong buổi trò chuyện với MC Mai Anh của chương trình Ký Ức Sài Gòn – TP.HCM, thỉnh thoảng ông cũng pha trò khiến cô nàng ngơ ngác không biết ông đang nói đùa hay thật. Tuy nhiên, trong chương trình, nữ MC xinh đẹp đã không ngăn được những giọt nước mắt khi nghe nghệ sĩ Mạc Can chia sẻ về con đường nghệ thuật cơ cực của mình một cách dí dỏm và “nhẹ hều” nhưng vẫn toát lên tình yêu nghề mãnh liệt.
Mạc Can – Người hát xiệc trên sông và một đời rong ruổi
Câu chuyện của nghệ sĩ Mạc Can bắt đầu từ năm 1945, khi ông vừa được sinh ra ngay trên chiếc ghe hát là phương tiện kiếm sống của cả gia đình. Hoàn cảnh ra đời đặc biệt của Mạc Can có lẽ cũng là điềm báo cho một cuộc đời phiêu bạt, rong ruổi của ông sau này.
Cha của Mạc Can là ảo thuật gia Lê Văn Quý, thuộc hàng quái kiệt thời bấy giờ. Tuổi thơ của Mạc Can là những ngày lênh đênh trên sông nước Mỹ Tho và các tỉnh miền Tây để đi “hát xiệc” cùng cha mẹ. Chú bé Mạc Can ngày đó cũng đã tham gia trình diễn một số màn ảo thuật, trong đó có màn phóng dao mà sau này ông đưa vào tiểu thuyết Tấm ván phóng dao của mình
.
Những năm 60, do đời sống người dân khó khăn nên gánh xiệc của gia đình ông không có khán giả. Ông rời quê lên Sài Gòn, sống tại đường Nguyễn Biểu. Lúc này ở Sài Gòn có rất nhiều phòng trà ca nhạc, rạp chiếu phim, ông xin vào biểu diễn hài ảo thuật trong các chương trình gọi là “phụ diễn tân nhạc” để giúp vui, cũng như để “câu giờ” trong lúc các rạp chiếu chờ người mang bản phim đến. Ông nói vì mình không có được vóc dáng to cao như những ảo thuật gia khác, nên khó “hớp hồn” khán giả, vì vậy ông chọn hướng diễn hài ảo thuật để phù hợp với vóc dáng bèo nhèo, nhỏ con và hay lăng xăng của mình. Ông chọn những tiết mục có kịch tính, lâu lâu để lộ ra giống như mình bị bể mánh trên sân khấu để tạo tiếng cười cho khán giả. Ông bảo: “Cái này hổng phải mình phá nghề ảo thuật, mà đây được gọi là xiệc hài. Tuy nhiên, tôi không bao giờ lấy tiết mục của bạn bè để bật mí ra như vậy, mà chỉ toàn lấy tiết mục của chính mình, để không làm phiền đến ai.”
Đi diễn nhiều năm, hỏi ông tiền bạc kinh phí như thế nào, ông cười: ”Lương bổng với tôi xưa giờ không quan trọng lắm, vì tôi ăn đạm bạc, uống thì chỉ cần trà đá thôi, nên không có đòi hỏi gì nhiều, cũng không có nhu cầu gì lớn nên rất dễ sống…”.
Tuy nhận mình ít học và không biết cách viết xuống hàng như thế nào cho phải nhưng Mạc Can lại rất có duyên viết lách. Đầu tiên có thể nói là vai trò viết báo. Ông kể thập niên 90, ông lân la vào các đoàn phim và tập viết báo với những tin nho nhỏ và được nhiều người gọi là ký giả cà phê. Rồi sau đó ông có duyên được đạo diễn Thế Ngữ mời viết kịch bản cho chương trình Trong Nhà Ngoài Phố của HTV vì ông hay đi nhiều, biết nhiều. Một trong những vở kịch ấn tượng của Mạc Can trong chương trình Trong Nhà Ngoài Phố là vở “Cục gạch của ai” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Hồng Vân, Quang Đại, Lê Vũ Cầu, Anh Thư, Thanh Sơn, Phi Phụng,…Vở nói về thời kỳ xăng nhớt còn hiếm và nhiều câu chuyện bi hài xung quanh việc mua bán xăng. Mạc Can cũng được đạo diễn Thế Ngữ ưu ái viết thêm cho mình 1 vai trong vở này. Đó là vai người đàn ông đi mua xăng chỉ để bơm cho chiếc hộp quẹt của mình. Ông kể thời kỳ này Trong Nhà Ngoài Phố được rất nhiều khán giả yêu thích và tối thứ Năm tuần nào mọi người cũng ở nhà để đón xem. Chỉ cần xuất hiện trong chương trình là hôm sau ra chợ sẽ được khán giả, bà con tiểu thương ở chợ Bến Thành nhận ra ngay. Cho đến bây giờ, nghệ sĩ Mạc Can vẫn xem đạo diễn Thế Ngữ là một người Thầy vì các kịch bản của ông thời đó được đạo diễn Thế Ngữ hiệu chỉnh và thêm thắt cho kịch tính hơn.
Nghệ sĩ Mạc Can: Cảm thấy rất oai vì được xuất hiện 1 phút trong phim Ván bài lật ngửa
Việc tham gia chương trình "Trong Nhà Ngoài Phố" đã mở ra cho Mạc Can cơ hội đến với điện ảnh. Ông kể nhờ được xuất hiện trên ti vi mà sau đó ông được đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng Hoa mời vào một vai trong phim "Ván Bài Lật Ngửa". Vị đạo diễn nổi tiếng cần một diễn viên có khả năng diễn trò ảo thuật….chặt đầu người đặt lên dĩa và giả gái để hát vọng cổ. Trong câu hát đó sẽ có “mật mã” để cho nhân vật Nguyễn Thành Luân (do Nguyễn Chánh Tín đóng) nhận ra. Một yêu cầu rất khó nhưng Mạc Can nói rằng ông có thể làm được và đã nhận lời. Và phân đoạn có sự xuất hiện của nghệ sĩ Mạc Can xuất hiện trong tập 1 của phim với thời lượng khoảng 1 phút. Ông hóm hỉnh cho biết khi xem phim, khán giả phải thật sự chú ý, nếu có làm rơi đồ thì cũng không được rời màn hình vì sẽ bỏ lỡ cảnh có sự xuất hiện của ông. Dù xuất hiện thoáng qua nhưng ông nói mình cảm thấy “rất oai” khi được xuất hiện trong bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Ngoài bộ phim Ván bài lật ngửa, nghệ sĩ Mạc Can còn xuất hiện trong nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng như "Áo lụa Hà Đông" (vai người đàn ông đẩy thùng xe chiếu bóng di động), phim Xích lô (vai diễn có đoạn thoại với ngôi sao Hồng Kông Lương Triều Vỹ), Khi đàn ông có bầu (vai người giúp việc ở phòng phám),… Ông nói dù vai nhỏ, xuất hiện thoáng qua nhưng vai nào ông cũng cố gắng diễn hết sức của mình.
Mạc Can và những lần bị tai nạn trên phim trường
"Cải Ơi!" là phim truyền hình dài 90 phút của đạo diễn Phương Điền mà nghệ sĩ Mạc Can đảm nhận vai chính. Ông vào vai ông Tư Đèo bán kẹo kéo ở những gánh hát miền quê, bị lạc mất đứa con gái tên Cải. Bộ phim đã từng lấy nước mắt của không ít khán giả và cả…bản thân Mạc Can. Ông kể trong phim có cảnh ông Tư Đèo dẫn trâu ra sông tắm. Cảnh quay được thực hiện ở một cánh đồng ở Long An. Trong lúc diễn, ông bị trâu giẫm vô chân. Cũng may lúc đó ông đang đứng dưới sông, nhờ có sình nên chân ông không bị nặng nhưng vẫn đau đến mức rơm rớm nước mắt. Ông cố nhịn đau để diễn cho xong cảnh quay. Quay xong mọi người mới phát hiện chân của ông bị tươm máu và sau đó còn sưng vù. Chị chủ nhiệm của đoàn phim thấy vậy đã giúp ông băng bó vết thương và cho đến bây giờ ông vẫn không quên cảm ơn sự giúp đỡ của chị.
Vì quá yêu nghề nên chuyện bị tai nạn trên phim trường với nghệ sĩ Mạc Can không phải là hiếm. Ông kể trong lúc tham gia phim cổ tích “Hoàng tử cứu mẹ”, ông vào vai…mụ phù thủy (ông và nghệ sĩ Hồng Sáp đóng chung một vai). Cảnh phù thủy cưỡi ghế bay được thực hiện bằng cách quay cảnh bầu trời trước, sau đó quay cảnh ông ngồi trên ghế, rồi dùng quạt máy thổi cho quần áo bay giống như đang bay trên trời. Có lẽ do quay và quạt nhiều quá nên về nhà, “phù thủy” Mạc Can bị trúng gió luôn.
Quyên góp 20 triệu đồng cho sinh viên nghèo, Mạc Can: “Nhờ các cháu học dùm tui, bởi tui học ít quá”
Nghệ sĩ Mạc Can còn nổi tiếng ở vai trò viết sách. Và một trong những tác phẩm thành công nhất của ông đó là tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Ông kể mình chưa bao giờ nghĩ tác phẩm này của mình sẽ được in thành sách. Lúc nhà văn Hồ Anh Thái gọi điện thông báo về việc in tác phẩm và đăng ký tham gia cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà Văn, Mạc Can đang chạy xe trên đường. Nghe tin, ông mừng đến mức tấp xe vào lề đường và khóc ngon lành. Và bất ngờ hơn nữa khi tác phẩm này sau đó lại nhận được giải A cuộc thi viết Tiểu thuyết năm 2005 của Hội Nhà Văn.
Trong lần ra Hà Nội nhận giải, ông đã trích 20 triệu đồng trong 50 triệu tiền thưởng của mình để tặng cho các bạn sinh viên nghèo để mua bút mực. MC chương trình hỏi vì sao bản thân ông vốn rất khó khăn lại có thể san sẻ một số tiền lớn như vậy, ông nói vì mình ít học quá nên ông muốn các bạn sinh viên có thể học thêm dùm ông. Tấm lòng của nghệ sĩ Mạc Can đã khiến cho MC Mai Anh không giấu được những giọt nước mắt.
Nghệ sĩ Mạc Can: “Không bỏ nghề, có nhiều thì ăn nhiều, có ít thì ăn ít, ít hơn nữa thì ăn cơm với chuối”
Gắn bó cả đời với nghệ thuật, từ hát xiệc, diễn viên, ký giả kịch trường đến sáng tác kịch bản, viết văn…nhưng ở tuổi 75, gia tài lớn nhất của nghệ sĩ Mạc Can là những vai diễn, những tác phẩm để lại cho đời. Ông vẫn sống một mình và có hoàn cảnh rất khó khăn. Khi MC hỏi liệu ông có tiếc nuối không khi trót làm nghệ sĩ, ông bảo mình không tiếc nuối và chưa từng có ý định bỏ nghề vì ông sợ những khán giả yêu mến ông sẽ buồn. Ông vẫn sống nhờ vào việc đi diễn và viết lách. “Kiếm được nhiều thì ăn nhiều, ít thì ăn ít, ít hơn nữa thì ăn cơm với chuối cũng đâu có sao” – ông nói.
Khôi Huy
No comments