Nể phục cuộc hôn nhân “vượt thế kỷ” từ đấng sinh thành của ca sĩ Ngọc Ánh
Saovacuocsong - Chứng kiến sự gắn bó của đấng sinh thành qua cuộc hôn nhân dài bằng cả một đời người nữ ca sĩ không khỏi xúc động và lấy làm hãnh diện. Bản thân cô xem ba mẹ mình là một bức tượng đài vĩ đại, truyền cảm hứng cho con cháu về một tình yêu vĩnh cữu...
Mới đây, nhân dịp mừng 65 năm ngày cưới của ba mẹ (1955-2020), sinh nhật ba tròn 90 tuổi và sinh nhật mẹ tròn 84 tuổi, nữ ca sĩ Ngọc Ánh đã có những trải lòng đầy cảm xúc về đấng sinh thành của mình với cuộc hôn nhân “kim cương xuyên thế kỷ”. Cũng nhân sự kiện đặc biệt này, "Nữ hoàng băng casette" đã thực hiện một bộ ảnh kỷ niệm để làm món quà ý nghĩa dành tặng cho ba mẹ mình.
Bộ ảnh là món quà đặc biệt được nữ ca sĩ dành tặng cho ba mẹ nhân kỷ niệm đám cưới "kim cương" hiếm có.
Ngọc Ánh tâm sự, ba mẹ chị kết hôn năm 1955. Tính đến thời điểm hiện tại ba chị tròn 90 tuổi, mẹ tròn 84 tuổi và cũng là thời điểm kỷ niệm 65 năm ngày cưới. Cuộc hôn nhân này vẫn được người thân, bạn bè nói vui là "vượt thời gian". Nói về ba mẹ, ánh mắt nữ ca sĩ sáng lên niềm tự hào khó tả: "Ba mẹ đến với nhau thế nào thì bây giờ vẫn sống thế ấy, một vợ một chồng như những ngày tháng vàng son. Một tình yêu đẹp sẽ dẫn đến một cuộc hôn nhân bền vững. Trải qua bao năm tháng thử thách khó khăn cả hai vẫn làm được những điều mà không phải ai cũng làm được".
Nữ ca sĩ cũng hé lộ thêm, ngày còn thanh niên ba chị nổi tiếng là siêng năng tháo vát lại chịu khó và đẹp trai. Chính anh của mẹ đã "chấm" ba và đồng ý gả em út cho ba. Còn về phần mẹ là một mẫu người phụ nữ truyền thống ngày ấy. Dịu dàng, sống hết mình vì gia đình và rất tình cảm. Đặc biệt, mẹ hát rất hay nên được khá nhiều người để ý.
Ba mẹ ca sĩ Ngọc Ánh và 5 người con chụp cùng bà ngoại vào năm 1966, Ngọc Ánh được mẹ bế trên tay.
Sau khi kết hôn và ở cùng nhau tại quê, đến năm 1960 có được 3 người con ba Ngọc Ánh chuyển vào Sài Gòn giúp việc cho nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam tại Ngã tư Phú Nhuận. Với bản tính cần cù thông minh chịu khó, lại hòa đồng dễ gần nên ba chị được các vị chức sắc, trưởng thượng trong nhà thờ yêu mến. Sau đó đã đề nghị ba đưa luôn mẹ và 3 anh chị vào Sài Gòn sống và làm việc chung.
Và rồi, năm 1961 mẹ từ Quảng Nam vào Sài Gòn "tay xách nách mang" thêm 3 người con là anh chị của ca sĩ Ngọc Ánh (sau này ở Sài Gòn mới sinh thêm chị kế và Ngọc Ánh). Ngày mới vào mẹ bắt đầu bán sữa đậu nành để kiếm sống, phụ giúp gia đình. Sau đó, ba xin cho mẹ làm giúp việc chung tại Thánh Đường Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam, ngay tại Ngã Tư Phú Nhuận.
Từ đôi bà tay trắng, đấng sinh thành của ca sĩ Ngọc Ánh đã xây dựng nên một tổ ấm hoàn hảo.
Ở đất khách quê người, cả hai lam lũ làm lụng nương tựa lẫn nhau mà sống. Mẹ Ngọc Ánh với tố chất thông minh lanh lẹ nên mọi thứ khá thuận lợi. Ngoài đi làm mẹ đã tự học thêm tiếng Mỹ rồi từ từ học thêm các thứ khác. Cuộc sống khó khăn nên mẹ tự may vá, đan len quần áo cho các anh chị em mặc.
Trong tâm trí ca sĩ Ngọc Ánh mẹ là một người phụ nữ truyền thống với những phẩm giá tốt đẹp và trở thành bức tượng đài trong lòng chị.
Buổi tối, mẹ còn đi học thêm chuyên nghành Viễn ấn tự - Teletype- (điện báo đánh chữ, truyền tin bằng tín hiệu te-tích, hoặc đọc bằng mã chấm tròn-vạch ngang). Sau đó, mẹ trúng tuyển vào làm trong Nha viễn thông Sài Gòn.
Trong thời gian từ năm 1966 -1972 mẹ kinh doanh thêm mặt hàng Baza mỹ phẩm. Mẹ có 1 Kios bán hàng da như giầy dép, bóp, dây nịt, dầu thơm. Mẹ là người đầu tiên nhập cảng máy rang bắp (bắp rang bơ) tại Sài Gòn, phát triển thành 3 xe bắp bán xung quanh chợ Bến Thành và Ga xe lửa Sài Gòn vô cùng hưng thịnh trong một thời gian dài.
Về phần ba, vốn dĩ hiền lành chất phác nên ba không lanh lẹ bắt kịp xu hướng như mẹ. Vì không giỏi làm chủ nên cả đời ba chỉ làm nhân viên, làm thư ký cho các hãng buôn hay các Cty lớn. Tuy nhiên bù lại ba rất uy tín, thật thà nên được nhiều người trọng dụng. Từ những ngày xa xưa ba đã được bay khắp nơi đi công tác từ Bến Hải đến Cà Mau như đi chợ.
Với ca sĩ Ngọc Ánh ba như một người thầy, dạy những bài học cuộc đời quý giá, thiết thực.
Ba đọc sách rất nhiều. Tủ sách của ba ngày xưa chất như núi, các đầu sách hay và nổi tiếng ba đều đã đọc qua. Ngọc Ánh cũng thừa hưởng được tố chất này từ ba và cho đến nay thói quen đọc sách ấy vẫn không hề thay đổi.
Điều Ngọc Ánh nể phục và kính trọng ở ba mẹ không chỉ là một tình yêu đẹp vĩnh cửu mà còn là cách họ cùng nhau xây dựng những giá trị sống. Từ những năm tháng cơ hàn cho đến thời điểm sung túc, tình cảm cả hai vẫn cứ thế, không hề thay đổi – một điều mà nhiều cặp vợ chồng luôn mơ ước.
Hình chụp năm 1976.
Cả ba và mẹ đều là mẫu người lý tưởng đối với Ngọc Ánh và các con cháu trong nhà. Tình yêu của cả hai truyền cảm hứng cho các thành viên trong gia đình và tự thấy rằng, hai chữ gia đình thiêng liêng hơn bao giờ hết. Mỗi khi ba đi làm về nằm đọc báo hay bật TV lên xem, mẹ đứng ủi đồ kế bên, Ngọc Ánh thì chơi bên cạnh ba… những hình ảnh đó không bao giờ phai nhoà trong ký ức của Ngọc Ánh. Mẹ yêu ba chân thành và tha thiết từ tuổi 19 đến tận bây giờ. Cả một đời tận tụy vì chồng vì con nên từ lâu mẹ đã trờ thành thần tượng duy nhất trong lòng Ngọc Ánh.
Cái nắm tay, cái tựa đầu... là những hình ảnh đẹp mà suốt cuộc đợi nữ danh ca không bao giờ quên khi nhắc về ba mẹ. Nó truyền cho Ngọc Ánh một nguồn cảm hứng sống bất tận.
Ngọc Ánh chưa bao giờ làm ba mẹ buồn hay thất vọng. Ngọc Ánh tự hào là một đứa con ngoan và hiếu thảo, không chỉ riêng đối với ba mẹ mà còn đối với các anh chị và các cháu nữa. Từ sâu tận đáy lòng Ngọc Ánh luôn cảm thấy biết ơn vì được sinh trưởng trong một gia đình giàu tình cảm như vậy. Chính những giá trị sống ấy đã truyền cho Ngọc Ánh những bài học quý giá mà không trường lớp nào dạy được.
Phú Cường
No comments