Nhạc cụ dân tộc “gõ cửa” từng trường học
Saovacuocsong - Tiếp nối thành công từ những dự án trước, Nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh và 2 ban nhạc Vân Anh Band và KT Band đã phối hợp cùng các Trung tâm văn hóa, Nhà thiếu nhi và Trường học tiếp tục triển khai dự án lan tỏa âm nhạc dân tộc tại các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), cao đẳng (CĐ) và đại học (ĐH) trên địa bàn TP.HCM.
Nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh biểu diễn nhạc cụ dân tộc cùng ban nhạc Vân Anh Band và KT Band.
Nhiều năm qua, nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh luôn đau đáu về âm nhạc dân tộc và muốn lan tỏa loại hình này đến cộng đồng xã hội, đặc biệt là môi trường học đường. Chị chia sẻ: “Tôi mong muốn lan tỏa âm nhạc dân tộc đến với học đường thông qua các chương trình giới thiệu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa dân gian, trò chơi dân gian… Các bạn học sinh không những được xem tận mắt – nghe tận tai, mà còn được trải nghiệm các loại hình dân gian để giúp các bạn hiểu sâu hơn về những giá trị truyền thống dân tộc, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, cũng như lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam”.
Nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh.
Chính những hoài bão này, nữ nghệ sĩ đã phối hợp và đồng hành cùng các Trung tâm văn hóa, Nhà thiếu nhi và Trường học tổ chức và thực hiện các chương trình nghệ thuật nhằm giới thiệu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa dân gian và nhiều loại hình dân gian khác tới các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS, trung học phổ thông (THPT), cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Nghệ sĩ Vân Anh phối hợp cùng Trung tâm văn hóa Quận 11 tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc và triển lãm ảnh, sách, tranh các dân tộc Việt Nam tại Trường tiểu học Trưng Trắc.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, nữ nghệ sĩ đã xây dựng nên hai mô hình chương trình nghệ thuật: Chương trình “Về Nguồn” và Chương trình “Hoa Nghị Lực – Ngát Đam Mê”.
Chương trình “Về Nguồn”
Chương trình “Về Nguồn” là chương trình giới thiệu và biểu diễn âm nhạc dân tộc qua ba vùng miền của Việt Nam: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Mỗi vùng miền đều có những loại hình nhạc cụ và điệu múa đặc trưng riêng và chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo.
Các nghệ sĩ giới thiệu và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc như tranh, sáo, bầu, t’rưng, đàn đá, đàn tứ, trống chầu…; múa dân gian như múa mèo, múa tây nguyên, múa nón lá, múa sen, múa quạt… và các loại hình dân gian như xếp lá dừa, tò he, triển lãm nhạc cụ, triển lãm sách dân gian…
Nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh biểu diễn đàn T’Rưng tại trường Tiểu học Phú Thọ, quận 11.
Ngày 18/12 vừa qua, nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh phối hợp cùng Trung tâm văn hóa Quận 11, Phòng giáo dục - đào tạo Quận 11 tổ chức chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc và triển lãm ảnh, sách, tranh các dân tộc Việt Nam tại trường tiểu học Phú Thọ (Quận 11).
Nghệ sĩ Vân Anh giới thiệu về từng loại nhạc cụ dân tộc và đồng thời giới thiệu nghệ sĩ biểu diễn từng loại nhạc cụ đó. Tưởng chừng như chỉ xem qua từ trong sách, các bạn học sinh đã được xem tận mắt các loại nhạc cụ dân tộc và cảm nhận được âm thanh giai điệu qua từng tiếng đàn.
Các bạn học sinh hòa nhạc cùng ban nhạc Vân Anh Band với những nhạc cụ gõ dân gian.
Không những vậy, các bạn còn được tham gia các trò chơi đố vui bài hát, thử chơi nhạc cụ dân tộc và nhận được những phần quá ý nghĩa từ BTC như phách tre, song lang, con cóc... những nhạc cụ bộ gõ dễ sử dụng. Cũng chính trên sân khấu, các bạn được hòa nhạc cùng ban nhạc với những nhạc cụ gõ trên.
Hơn 1.000 em học sinh đã có những giây phút "nhún nhảy, lắc lư" trong giờ sinh hoạt đầu tuần. Các bạn đã cùng hát theo những bài hát dân ca, bài lý quen thuộc như Trống cơm, Lý cây bông, Lý chim xanh... Trên sân khấu, các thành viên của 2 ban nhạc đã cháy hết mình biểu diễn trong từng tiếng vỗ tay không ngớt của các bạn học sinh.
Các bạn học sinh thăm quan khu vực Triển lãm ảnh, tranh, sách các dân tộc Việt Nam.
Sau chương trình biểu diễn, các bạn học sinh di chuyển vào khu vực Triển lãm tranh, sách và hình ảnh tiêu biểu của 54 dân tộc Việt Nam. Qua đó, các bạn sẽ hiểu thêm về phong tục tập quán, tín ngưỡng, nếp sinh hoạt, trang phục và lễ hội truyền thống dân tộc.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ (Quận 11), chương trình trên đã góp phần tuyên truyền sâu rộng cho mọi người về truyền thống tốt đẹp của con người, lịch sử dân tộc Việt Nam.
Chương trình "Hoa Nghị Lực - Ngát Đam Mê"
Chương trình "Hoa nghị lực - ngát đam mê" giới thiệu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam đến từ các nghệ sĩ đặc biệt của ban nhạc KT Band - ban nhạc nghệ sĩ khiếm thị.
Không những các bạn học sinh được tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc, các bạn còn được lắng nghe những chia sẻ về những động lực vượt qua khó khăn đến từ các bạn khiếm thị của KT Band. Qua đó, các bạn học sinh được khơi dậy tinh thần học tập chăm chỉ và phấn đấu để trở thành người con có ích cho gia đình và xã hội.
Ca sĩ Hà Văn Đông cùng ban nhạc KT Band biểu diễn tại trường THCS Hòa Hưng, quận 10.
Ngày 16/03 vừa qua, học sinh trường THCS Hòa Hưng (quận 10) đã được tham dự chương trình "Hoa nghị lực - ngát đam mê" do nghệ sĩ Vân Anh phối hợp cùng Nhà thiếu nhi Quận 10 tổ chức. Tham gia chương trình, các bạn học sinh vô cùng hào hứng khi được xem các tiết mục biểu diễn nhạc cụ và ca hát "chất lừ" từ các bạn KT Band được đầu tư vô cùng chuyên nghiệp và tâm huyết.
Xen lẫn đó, các bạn học sinh rất xúc động khi được lắng nghe những tâm sự vượt khó từ các anh chị KT Band. Tuy có khiếm khuyết, nhưng các anh chị vẫn vượt qua mọi khó khăn ấy để trở thành người có ích cho xã hội. Điều ấy truyền những năng lượng tích cực đến các bạn học sinh để phấn đấu nhiều hơn trong học tập.
Khi hỏi Phạm Văn Hai, trưởng ban nhạc KT Band, về nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh, cậu cho biết: "Mẹ luôn lo lắng và chỉ dạy cho chúng mình rất nhiều điều trong cuộc sống, từ tập luyện đến việc được biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Mẹ đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết và tạo mọi điều kiện để chúng mình thỏa sức đam mê. Chúng mình thương và tự hào về mẹ".
Nghệ sĩ Vân Anh cùng ban nhạc KT Band biểu diễn tại trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận 10.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Trọng Khánh - Hiệu trưởng trường TH Hồ Thị Kỷ, quận 10 cho biết rất tâm đắc với dự án của nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh và Nhà Thiếu nhi quận 10. Ông chia sẻ: “Chương trình rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần giới thiệu cho các em học sinh về những tấm gương nghị lực sống”.
Chị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi quận 10 và nghệ sĩ Vân Anh trao học bổng học nhạc cụ dân tộc cho các em học sinh.
Hy vọng rằng với sự nỗ lực của các nghệ sĩ và sự đồng hành, hỗ trợ của các đơn vị, âm nhạc dân tộc sẽ sớm “phủ sóng” để ngoài những bản nhạc trẻ, nhạc cụ phương tây, các em nhỏ sẽ biết đến các bài dân ca, bài lý, đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc… của Việt Nam. Chính các bạn nhỏ sẽ trở thành những ‘đại sứ’ lan tỏa âm nhạc dân tộc.
PV
No comments